Cẩn trọng khi mua mỹ phẩm online

Mới đây, lực lượng chức năng tại Đồng Nai đã lập hồ sơ xử lý vụ phát hiện hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một cơ sở kinh doanh (bán hàng online). Vụ việc một lần nữa làm dấy lên sự lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng mỹ phẩm được bán online – một hình thức phổ biến, được nhiều người ưa chuộng bởi tính tiện ích nhưng chứa nhiều rủi ro…

 

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hàng ngàn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm online ở TT.Long Thành (H.Long Thành). Ảnh: Kim Liễu

 

 

Bên cạnh các cá nhân, cơ sở kinh doanh cung cấp hàng chất lượng, giá cả hợp lý và có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, cũng có nhiều người lợi dụng hình thức kinh doanh online tung ra hàng giả, hàng nhái nhằm kiếm lời bất chính.

Mỹ phẩm online: “vàng thau – lẫn lộn”

Ngày 27-4, khi kiểm tra cơ sở kinh doanh hóa mỹ phẩm đóng tại khu Văn Hải, TT.Long Thành (H.Long Thành) do Hách Văn Ánh (28 tuổi) làm chủ, lực lượng chức năng H.Long Thành đã xác định tại cơ sở này có gần 8 ngàn sản phẩm là hóa, mỹ phẩm của 32 nhãn hiệu khác nhau. Tiếp tục mở rộng kiểm tra kho chứa hàng của chủ cơ sở này ở TT.Long Thành, lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 7 ngàn sản phẩm mang 5 nhãn hiệu khác nhau đang chứa tại đây gồm: kem rửa mặt, mặt nạ dưỡng da, nước hoa, dầu gội, dầu xả, sữa tắm, sữa rửa mặt… không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ cửa hàng cho biết, đã mua lại của nhiều công ty khác nhau tại TP.HCM và thông qua các trang mạng rồi tổ chức bán lại cho khách hàng thông qua hình thức bán hàng online.

Đây chỉ là một trong số những vụ việc phát hiện mỹ phẩm không rõ xuất xứ mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây. Số lượng hàng “khủng” trên nếu là hàng giả và được mang ra thị trường tiêu thụ chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho người sử dụng. Điều đáng ngại là hiện nay mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm gắn mác hàng xách tay được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, thậm chí là trong các cửa hàng trên địa bàn tỉnh.

“Chiêu” mà người bán dùng để “bẫy” khách hàng online là đưa hình ảnh quảng cáo là sản phẩm chính hãng nhưng lại giao hàng giả, kém chất lượng cho khách. Người bán thường giới thiệu sản phẩm của họ là hàng chính hãng nhập khẩu trực tiếp, hàng xách tay, săn được lô hàng giá sale chính hãng… để qua mặt người mua. Thực tế, nếu chưa dùng qua sản phẩm chính hãng hoặc may mắn không bị phản ứng phụ nặng nề thì người mua rất khó phân biệt hàng thật, giả. Không ít khách hàng bỏ tiền triệu mua sản phẩm “chính hãng” mà không hay biết mình bị “móc túi”. Cũng có trường hợp người bán nhập cả mỹ phẩm chính hãng nhập nhèm cùng mỹ phẩm nhái, gặp khách không am hiểu sẽ bán hàng nhái, còn gặp khách tinh tường sẽ đưa hàng chính hãng…

* Hệ lụy từ mỹ phẩm “dỏm”, kém chất lượng

Đã từng là nạn nhân của mỹ phẩm được rao bán là hàng xách tay khi mua hàng online, chị Linh (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) kể:  “Tháng rồi, tôi mua 1 phấn nước thương hiệu Ohui trên Facebook, người bán quảng cáo là hàng chính hãng xách tay, mua giá sale từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi sử dụng da bị ửng đỏ và ngứa, nghi ngờ hàng giả, chị đã cầm sản phẩm đến cửa hàng chính hãng để so sánh thì mới biết sản phẩm xách tay kia là dỏm”.

Tác hại của việc sử dụng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn gây tổn hại đến sức khỏe, tốn nhiều thời gian chữa trị, phục hồi nguyên trạng da ban đầu của người dùng. Thậm chí, nếu sử dụng sản phẩm chứa hóa chất độc hại, hết hạn sử dụng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.

BS Lê Thị Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận các nạn nhân bị tai biến da do sử dụng kem trộn, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Nhiều trường hợp phải điều trị lâu dài vì dị ứng, nổi mụn, sưng tấy… Vì vậy, người tiêu dùng nên hết sức thận trọng, sử dụng mỹ phẩm phải có sự tư vấn, hướng dẫn về chủng loại, thành phần mỹ phẩm. Chỉ mua mỹ phẩm khi biết rõ nguồn gốc, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chính hãng, nơi bán có uy tín, tránh mua sản phẩm trôi nổi.

“Trường hợp sử dụng phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng và thấy có các dấu hiệu về da liễu như: ngứa, mẩn đỏ, nổi ban…, bệnh nhân nên ngừng sử dụng, cũng không nên tự điều trị vì có thể dẫn đến nhiễm trùng gây tình trạng bệnh nặng hơn. Thay vào đó, nên đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ” – BS Hà khuyến cáo.

Trước những tác hại không nhỏ của hàng giả, ngoài nỗ lực kiểm soát, xử lý các vi phạm trên thị trường mỹ phẩm online thì mỗi người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng việc tìm đến các sản phẩm chính hãng từ các cửa hàng có uy tín, yêu cầu cung cấp hóa đơn, chứng từ nhập khẩu rõ ràng. Không nên lựa chọn sản phẩm chỉ vì có người quen giới thiệu hoặc qua quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội hay chỉ vì thấy sản phẩm được quảng cáo với nhiều công dụng, thần tốc, hình ảnh bắt mắt, giá rẻ dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Kim Liễu

[woocommerce_my_account]