Giá điện tăng 3%: Ngành sản xuất nào chịu tác động lớn nhất?

Giá điện tăng khiến những ngành sản xuất sử dụng nhiều điện sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực và giảm mạnh lợi nhuận như: xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy…

Từ ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, mỗi kWh tăng thêm gần 56 đồng, tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Nói về tác động của giá điện mới đến các ngành nghề, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự báo: “Với nhóm khách hàng là các doanh nghiệp, nhà máy sắt thép, việc tăng giá điện sẽ làm tăng khoảng 0,78% giá thành; đối với khách hàng sản xuất xi măng tăng khoảng 0,45% giá thành và đối với sản xuất giấy tăng 0,4%”.

Giá điện tăng 3%: Ngành sản xuất nào chịu tác động lớn nhất? - 1

Giá điện tăng 3% tác động tới nhiều doanh nghiệp sản xuất. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, hiện nay trừ ngành hàng không, vận tải đường thủy, đường sắt và một phần vận tải đường bộ là sử dụng xăng dầu, nhiên liệu hoá thạch, còn lại hầu hết các ngành đều sử dụng điện làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Lâm, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán (COGS – là chi phí mua hoặc sản xuất các sản phẩm mà công ty bán trong một thời kỳ) của doanh nghiệp sản xuất thép, giấy, hóa chất. Riêng với ngành thép và xi măng còn có tác động lan tỏa đến cả ngành xây dựng.

“Xi măng là lĩnh vực “ngốn” điện nhiều nhất. Hiện chi phí giá điện chiếm khoảng 14-15% giá vốn hàng bán của những doanh nghiệp sản xuất xi măng, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì con số này là khoảng 9-10%. Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn, khoảng 4-5%”, ông Lâm nói.

Ước tính, giá điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, thì tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng là: ngành thép giảm 15%, ngành giấy giảm 2%, ngành xi măng giảm 13%,  ngành hóa chất giảm 1%.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chuyển chi phí điện tăng sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán sản phẩm thì có thể áp lực chi phí đầu vào sẽ giảm đi.

“Nhìn tổng thể, việc EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng, làm giảm lợi nhuận, ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải có ý thức tiết kiệm điện, cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại giá thành cho hợp lý”, ông Lâm nói.

TS Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, việc tăng giá điện sẽ tác động thế nào đến doanh nghiệp còn tuỳ thuộc vào các biện pháp tiết giảm chi phí giá thành sản xuất của các doanh nghiệp đó. Với nhiều biện pháp, nếu sử dụng linh hoạt, hợp lý thì áp lực này cũng không quá lớn.

Trước thông tin EVN tăng giá điện, ông Nguyễn Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công Ty TNHH Thép Vina Kyoei cho biết, hiện nay các ngành nghề kinh tế đều đang gặp khó khăn chứ không riêng gì ngành thép, nên việc tăng bất cứ chi phí nào đều gây khó cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp lo lắng. Trong khi đó, hiện nay mức độ cạnh tranh lớn, nhu cầu thị trường cũng đang rất thấp.

“Riêng đối với thép Vina Kyoei, từ đầu năm đến giờ sức tiêu thụ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2022, chắc chắn việc tăng giá điện càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn”, ông Quang nói.

Theo tính toán của ông Quang, ngành thép sản xuất theo công nghệ lò điện, chi phí điện năng chiếm 15% chi phí giá thành của sản phẩm.

“Công nghệ là như vậy nên doanh nghiệp thép không dễ cơ cấu lại sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Chỉ còn cách duy nhất là do nhu cầu tiêu thụ thép thấp thì sẽ chuyển từ sản xuất 24/24 thành sản xuất ban đêm để hạn chế tiêu thụ điện”, ông Quang nói.

Còn theo ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc nhà máy đường Sơn La, trong sản xuất mía đường, lượng điện tiêu thụ cũng rất lớn. Nếu tính chi phí giá thành sản phẩm thì điện chiếm khoảng 20% – 25%. Việc giá điện tăng 3% sẽ đẩy giá thành chi phí lên gần 30%, doanh nghiệp sẽ khó tiêu thụ hơn.

“Tuy nhiên, với ngành mía đường, mỗi nhà máy đều có 1 tuabin tự sản xuất ra điện bằng việc sử dụng bã mía để đốt lò nung khai thác điện. Còn nếu sử dụng điện của EVN và với giá tăng như vậy thì ngành mía đường không thể cầm cự được vì chi phí quá lớn”, ông Hiếu nói.

PHẠM DUY
[woocommerce_my_account]