Nhiều người bán nhỏ lẻ ở Trung Quốc bị gây áp lực giảm giá đến cùng cực.
Tám loại cọ trang điểm với giá chưa đến 1 USD, lại được vận chuyển quốc tế miễn phí.
Mọi thứ nghe có vẻ không tưởng, song lại được tìm thấy ở Temu. Trong mục ưu đãi, tất cả đều có giá rẻ kinh ngạc, chẳng hạn 50 chiếc dây buộc tóc có giá 1,17 USD, 10 đôi tất giá 3,87 USD và 6 thỏi son dưỡng giá 0,97 USD.
Temu, thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc PDD, bùng nổ trên khắp các cửa hàng ứng dụng hàng đầu tại Mỹ kể từ khi ra mắt vào tháng 9 năm ngoái. Trên trang web của mình, Temu tuyên bố sẽ sử dụng “mạng lưới sâu rộng … được xây dựng qua nhiều năm của công ty mẹ để cung cấp nhiều sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng”. Chẳng hạn, một bộ đồ bơi nữ trên Temu chỉ có giá 6,5 USD, trong khi một cặp tai nghe không dây có giá 8,5 USD. Dao cạo chân mày cũng chỉ có giá 0,9 USD.
“Temu đặt mục tiêu tiếp tục thử nghiệm về tiếp thị và cung cấp dịch vụ, nhờ vào công ty mẹ giàu có. Nó ra mắt vào đúng thời điểm thích hợp, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát và bất ổn kinh tế”, bà Deborah Weinswig, CEO của Coresight Research, nói.
Theo ông Abe Yousef, nhà phân tích cao cấp tại Sensor Tower, trong quý IV/2022, số lượt cài đặt Temu thậm chí còn vượt qua cả Amazon, Walmart và Target. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trái ngược với triển vọng mờ mịt mà các nhà bán lẻ khác phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Nền tảng này không chỉ cạnh tranh với Shein mà cả những gã khổng lồ lớn của Mỹ như Amazon, Target. Sự phổ biến ngày càng lớn của nó đã cho thấy tiềm năng trong các mô hình kinh doanh sản phẩm giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế đằng sau không hoàn toàn là màu hồng.
Một phân tích về chi phí chuỗi cung ứng của tờ The Wired hồi tháng 5 cho thấy Temu đang lỗ trung bình 30 USD (hơn 700 nghìn đồng) trên mỗi đơn hàng khi cố gắng thâm nhập thị trường Mỹ. Theo công ty tài chính China Merchants Securities, Temu, hoạt động tại thị trường Canada, Australia và New Zealand, cũng đang lỗ từ 4,15 tỷ RMB đến 6,73 tỷ RMB (588 triệu đến 954 triệu USD) mỗi năm (khoảng 24 tỷ đồng). Nhiều thương hiệu nhỏ lẻ bị gây áp lực giảm giá bán đến cùng cực.
“Chúng tôi đang làm việc không công cho Temu để Temu có thể thu hút nhiều khách hàng Mỹ hơn”, một người bán tên Sandy nói.
Ở Mỹ, Temu miễn phí hầu hết các hình thức vận chuyển. Tờ The Wired xem xét nhiều phân tích về chi phí vận chuyển, bao gồm cả dữ liệu từ công ty nghiên cứu tài chính Haitong International Securities Group, cho biết chi phí vận chuyển 1 gói hàng nhỏ từ Quảng Châu (nơi Temu đặt kho) đến Mỹ rơi vào khoảng 14 USD. J&T Express, đối tác vận chuyển của Temu chịu một số khoản phí, song phía ứng dụng vẫn phải trả 9 -10 USD cho mỗi đơn hàng.
Tính thêm một số chi phí khác, bao gồm chiết khấu và phiếu giảm giá tiền mặt, số tiền trung bình Temu mất cho mỗi đơn hàng đến Mỹ là khoảng 30 USD.
Theo đại diện Temu, mục tiêu dài hạn của công ty là người Mỹ mua hàng khoảng 30 lần mỗi năm trên nền tảng; mỗi đơn trị giá 50 USD. Như vậy, mỗi người dùng chi trung bình 1.500 USD/năm. Dữ liệu từ Zhanglian, cơ quan truyền thông đưa tin về ngành công nghiệp chuỗi cung ứng và vận chuyển Trung Quốc, cho biết giao dịch trung bình trên Temu là khoảng 25 USD.
Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu trên khó trở thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh Temu vẫn đang nỗ lực giành được sức hút trước Amazon. Khách hàng của Temu ở Mỹ chủ yếu là người châu Á với thu nhập hộ gia đình hàng năm dưới 30.000 USD.
Hôm 12/2, Temu chi khoảng 7 triệu USD để có thể xuất hiện trước công chúng Mỹ trong giải Super Bowl. Thông điệp bên trong như một lời tuyên bố của Temu với khách hàng, rằng mọi người hãy “vung tiền” bằng cách mua nhiều đồ giá rẻ. Không rõ bao nhiêu đơn hàng mới bù đắp được mức chi khổng lồ trên. Chỉ biết Temu rất mạnh tay trong việc quảng bá hình ảnh.
Tuy nhiên, chiến lược giá thấp đang gây áp lực lên người bán. Zhang Zhouping, một nhà nghiên cứu thương mại điện tử xuyên biên giới, nói với Rest of World rằng các nền tảng như Temu đặt ra một vấn đề nan giải: Giảm tỷ suất lợi nhuận và đạt doanh thu cao hơn, nếu không sẽ sớm bị đào thải.
“Chi phí sản xuất tốn hơn 12 USD, song Temu yêu cầu chúng tôi bán nó với giá hơn 11 USD. Không thể chấp nhận được. Chúng tôi quyết định rút lui”, một người bán tên Queenie Zhang nói.
Theo Tai Shi, chủ doanh nghiệp trên Temu, người bán không thể toàn quyền định giá sản phẩm và thường xuyên bị Temu yêu cầu giảm giá. Phía nền tảng sẽ quyết định mức chiết khấu là bao nhiêu.
“Bạn không có quyền quyết định. Nếu bạn không giảm giá, Temu có thể sẽ xóa sản phẩm khỏi danh sách”, Tai Shi nói và cho biết quy trình kiểm soát chất lượng của Temu cũng rất khắt khe.
“Điều này xảy ra rất thường xuyên. Chúng tôi gửi cho họ 100 sản phẩm. Đôi khi họ trả lại 1-2 sản phẩm. Cũng có lúc họ trả lại hết”, Tai Shi nói. Được biết, anh chàng này đã từ chối chào bán thêm nhiều mặt hàng bởi lợi nhuận kiếm được quá thấp trong khi mức độ rủi ro lại cao.
Tại Trung Quốc, một số người bán đã bỏ cuộc khi vào tháng 12/2022, Temu yêu cầu phía nhà sản xuất chịu một nửa chi phí vận chuyển. Một người bán tên Sandy cho biết cô ấy đã ngừng bán sản phẩm dành cho thú cưng trên Temu vào tháng 3.
“Chúng tôi đã gửi cho họ một số sản phẩm để chạy thử. Chúng bán rất chạy và Temu yêu cầu chúng tôi gửi thêm với số lượng lớn. Sau khi chúng tôi chi tiền và thanh toán chi phí vận chuyển, phía Temu lại yêu cầu chúng tôi giảm giá”, Sandy nói.
Sau khi bán lỗ, Sandy quyết định ngừng hợp tác.
“Mọi lợi ích Temu đưa ra đều không thể bù đắp khoản lỗ mà tôi phải chịu”, Sandy kể.
Theo: The Wired, Rest of World
An ninh Tiền tệ