Không chỉ giá cước tàu vận chuyển dầu, giá cước ngành vận tải biển nói chung cũng đang suy giảm.
Cước phí vận chuyển của các siêu tàu chở dầu đã giảm mạnh khi OPEC+ thực hiện cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá, góp phần làm giảm khối lượng vận chuyển dầu qua các đại dương trên thế giới.
Theo dữ liệu của Baltic Exchange, các tàu chở 2 triệu thùng dầu thô từ Trung Đông đến Trung Quốc chỉ kiếm được dưới 24.000 USD/ngày vào thứ Sáu (5/5), giảm từ mức hơn 97.000 USD thời điểm ngày 20/3.
Trong gần một năm qua, giá cước tàu chở dầu đã tăng cao do các chuyến hàng phải đi xa hơn khi người mua tìm kiếm nguồn thay thế cho dầu của Nga. Điều này cùng với việc giải phóng dầu từ nguồn dự trữ dầu của Mỹ đã mang lại nguồn thu từ cước phí vận chuyển với giá trị trên 100.000 USD/ngày lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Nhưng trong những tuần gần đây, OPEC+ đã gây sốc cho thị trường dầu mỏ khi tuyên bố một đợt cắt giảm nguồn cung lớn, góp phần giảm số lượng hàng hóa cho tàu vận chuyển. Những yếu tố tâm lý xung quanh dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và sau khi nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, số lượng tàu quay trở lại Trung Đông cũng tăng lên, thúc đẩy nguồn cung tàu cho thuê.
Trước đó vào ngày 2/4, OPEC+ đã tuyên bố cắt giảm tổng cộng tới 1,15 triệu thùng/ngày từ tháng 5 cho đến cuối năm. Bộ Năng lượng Ả Rập Xê Út đã mô tả động thái này là một “biện pháp phòng ngừa” nhằm ổn định thị trường dầu mỏ.
Anoop Singh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vận chuyển toàn cầu tại Oil Brokerage Ltd cho biết: “Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã làm giảm số lượng hàng hóa. Nhưng nhu cầu phương Tây cũng suy yếu. Nhu cầu của Trung Quốc là chìa khóa, bởi vì nếu Trung Quốc mua, thì ngay cả khi OPEC+ cắt giảm, Trung Quốc sẽ tìm kiếm các loại dầu thô khác và hỗ trợ thị trường dầu”.
Động thái này có thể sẽ mang lại một số cứu trợ cho thị trường dầu mỏ. Chi phí vận chuyển thấp hơn thường làm cho việc vận chuyển các lô hàng trên toàn cầu trở nên dễ dàng hơn.
Không chỉ giá cước tàu vận chuyển dầu, giá cước ngành vận tải biển nói chung cũng đang chứng kiến sự suy giảm.
So với 1 năm trước, giá cước vận chuyển một số tuyến đường chính từ châu Á đi châu Âu giảm 81 – 85%; từ châu Á đi châu Mỹ giảm 75 – 79%; từ châu Mỹ đi châu Á và châu Âu giảm 18 – 21%.
Giá cước ngành vận tải biển thường có chu kỳ kéo dài khoảng 10 năm và không có nhiều biến động mạnh trong suốt chu kỳ. Nhưng từ giữa năm 2020, giá cước liên tục đi lên bởi nhu cầu tăng cao, trong khi nguồn cung container rỗng thiếu hụt. Thị trường kỳ vọng, giá cước vận tải biển sẽ bước vào một chu kỳ mới, hoặc ít nhất sẽ tạo ra mức nền giá mới, cao hơn chu kỳ trước.
Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng. Sau khi lập đỉnh vào tháng 9/2021, giá cước vận tải biển có dấu hiệu điều chỉnh, đặc biệt giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2022 và tiếp tục giảm thêm trong những tháng đầu năm 2023.
Kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, sức tiêu dùng giảm… đã ảnh hưởng lớn đến thị trường vận tải biển quốc tế, trong đó có Việt Nam. Điều này trái ngược với dự báo của nhiều doanh nghiệp về sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 là mức độ tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ tăng lên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động, kéo theo nhu cầu vận chuyển bằng đường biển gia tăng.
Thâm khảo: Bloomberg