Nóng: Đề xuất danh mục hàng “cấm lưu thông” thay vì quy định hàng thiết yếu

Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định danh mục “hàng hóa thiết yếu”.

Mặc dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Chiều nay (27/7), Bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông.

Nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông. Đây là danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định của pháp luật.

Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp “thẻ xanh” để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

Nóng: Đề xuất danh mục hàng cấm lưu thông thay vì quy định hàng thiết yếu - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Ùn tắc giao thông tại cửa ngõ, nhiều phương tiện phải quay đầu do thiếu giấy tờ theo quy định của Hà Nội (Ảnh: Quân Đỗ).

Công văn số 4482 do lãnh đạo Bộ Công Thương ký chiều ngày 27/7 nêu rõ: Thời gian vừa qua, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị.

Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, đồng thời yêu cầu các địa phương không được đặt ra các điều kiện cản trở việc lưu thông hàng hóa thiết yếu.

Tuy nhiên, do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản nêu trên tại một số địa phương khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng còn gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông trên địa bàn, địa phương hay giữa các địa phương với nhau.

Để xử lý vấn đề nêu trên và nhằm mục đích thống nhất về cách hiểu và áp dụng giữa các địa phương, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định về mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.

Ngoài ra, danh sách này cũng bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, ban hành kèm theo Văn bản số 19 năm 2014 do Bộ Công Thương ban hành hợp nhất Nghị định số 59 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và các Nghị định sửa đổi Nghị định số 59/2006/NĐ-CP (trừ những hàng hóa được Thủ tướng Chính phủ cho phép).

Trước đó, tại nhiều địa phương có hiện tượng doanh nghiệp phải “quay xe” vì lý do như tiền không phải hàng hóa thiết yếu hoặc sữa không phải đồ thiết yếu…

Tại cuộc làm với Cục Công nghiệp mới đây, đại diện hiệp hội doanh nghiệp phản ánh các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp.

Một trong những vấn đề nổi cộm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.

Các hiệp hội dẫn chứng như việc đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đó đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.

Nguyễn Khánh

[woocommerce_my_account]