Mùa cao điểm sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa đã đến nhưng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng vẫn chật vật bởi “room” tín dụng hạn chế…
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản đều vay vốn từ ngân hàng, nhưng từ đầu tháng 8/2022 tín dụng đang siết khiến họ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, đã gần kề, tháng 10 là thời điểm doanh nghiệp cần vốn để đón đầu thu mua lúa vụ Thu Đông và thu mua gối đầu cho năm 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí siêu nhỏ không có vốn lớn để đầu tư, nên toàn bộ đều vay vốn ngân hàng cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là vào các tháng cuối năm cần đẩy mạnh giao hàng nên nhu cầu vốn lại tăng cao.
“Thông thường thị trường xuất khẩu gạo sẽ bắt đầu nhộn nhịp từ tháng 10, vì đây là thời điểm doanh nghiệp cần vốn để đón đầu thu mua lúa vụ Thu Đông và thu mua gối đầu cho năm 2023.
Và từ nay đến cuối năm, lượng gạo xuất khẩu theo kế hoạch còn khoảng 2 triệu tấn, nếu bây giờ bị siết “room” tín dụng cũng khó cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp ngành gạo phải có hợp đồng xuất khẩu thì ngân hàng mới cho vay, như vậy họ không có nguồn để dự trữ gối đầu”, Chủ tịch VFA nói.
Bà Lê Nguyễn Thị Hoàng Oanh – Trưởng phòng Doanh nghiệp Woori Bank Việt Nam, Chi nhánh Phú Mỹ Hưng cho biết, dịch COVID-19 đã qua và doanh nghiệp cũng đã cơ cấu nợ xong, bây giờ “room” tín dụng bị hạn chế nên đa phần các ngân hàng thương mại đều đang chật vật, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp gần cuối năm lại rất nhiều.
“Các ngân hàng đều rất muốn giúp đỡ doanh nghiệp và Woori Bank đang cố gắng thu xếp một cách tốt nhất để giúp họ”, bà Oanh nói.
Và trước tình hình hiện nay, đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng “room” tín dụng để từ đó ngân hàng thương mại mới có thể làm tiếp các bước; còn với lãi suất cho vay, sẽ không ảnh hưởng vì có thể thương lượng được.
Cần có lộ trình
Với chính sách điều hành tiền tệ chung của NHNN, tất cả ngân hàng thương mại đều phải tuân thủ theo. Hiện nay, NHNN quản lý “room” tín dụng để hạn chế lạm phát, tuy nhiên chính sách quản lý cũng cần phải có một lộ trình. Nếu NHNN đã nhận định được tình hình thị trường sẽ diễn biến như vậy rồi thì cần phải có lộ trình từ từ.
Còn với cách NHNN đang làm hiện nay là đầu năm siết tín dụng từ từ đến giữa năm, những tháng cuối năm thì chặn luôn như vậy có vẻ cứng nhắc quá, theo ý kiến của người trong cuộc.
“Ở tầm vĩ mô cần có những nhận định dài hạn hơn và có lộ trình để cho doanh nghiệp thích nghi, có như vậy họ mới có thể đưa ra kế hoạch kinh doanh phù hợp. Còn hiện nay doanh nghiệp đang lo thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị và khi kế hoạch kinh doanh của họ đụng tới “room” tài chính cần chạy dự án lúc đó lại bị kẹt.
Còn ở lĩnh vực xuất khẩu gạo, phần lớn những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên không có vốn, nhưng cần một lượng tiền rất lớn để thu mua lúa gạo. Nếu doanh nghiệp không biết sẽ bị siết tín dụng khi có nhu cầu giải ngân, ngân hàng không giải ngân, không có tiền thì không có hàng để xuất khẩu khi đó doanh nghiệp sẽ bị đền hợp đồng”, bà Hoàng Oanh nói.
Thông thường, doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng có thời gian giao hàng từ 1 đến 3 tháng, nếu bất ngờ siết “room” tín dụng sẽ rất khó cho họ, vì lĩnh vực này hầu như họ chỉ có kênh huy động vốn duy nhất là vay vốn từ các ngân thương mại.
Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng là hoàn toàn cần thiết, nhưng cũng phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Phía ngân hàng đồng ý với quan điểm hạn chế lạm phát và siết tín dụng đầu cơ bất động sản của NHNN là hoàn toàn đúng, nhưng NHNN cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, bởi họ là người mang đô la về cho đất nước… Do vậy, đề nghị NHNN cần nới “room” tín dụng, để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn”, Trưởng phòng Doanh nghiệp Woori Bank Chi nhánh Phú Mỹ Hưng bày tỏ quan điểm.