Trong báo cáo vừa gửi Bộ Giao thông vận tải về việc xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc xem xét đồng ý cấp giấy phép cho doanh nghiệp Việt Nam thành lập hãng hàng không mới chuyên chở hàng hóa tại thời điểm hiện tại là phù hợp.
Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 27.3, TS Nguyễn Quang Toản – Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, hàng không dân dụng có 2 loại hình là vận tải hành khách và vận tải hàng hoàng (vận tải khách là thông dụng).
Hiện nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao với nhiều loại hàng hóa giá trị cao, trọng lượng nhẹ nhưng giá trị cao hoặc cần vận chuyển trong thời gian nhanh nhất như thiết bị y tế, điện tử… Đây là thị trường mà Việt Nam đang bỏ ngỏ, nếu không tận dụng thời cơ sẽ lại bị phụ thuộc vào các hãng vận tải hàng không nước ngoài.
Đặc biệt mảng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang là thị trường “béo bở” và có rất nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh trong những năm tới đây.
Đưa ra dẫn chứng, TS Nguyễn Quang Toản cho biết trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, một số hãng hàng không dỡ ghế của tàu bay chở khách để chuyên chở hàng hóa. Nhờ đó tỉ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tổng doanh thu từ vận tải hàng không của các hãng hàng không giai đoạn trong dịch đều tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước dịch, tính trong giai đoạn 1 năm.
Trước đó, ngày 15.6.2021 doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần IPP Air Cargo, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc thành lập mới hãng hàng không vận chuyển hàng hóa.
Sau nhiều trao đổi, đến ngày 12.10.2021, ông Johnathan Hạnh Nguyễn có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xin hướng dẫn các thủ tục thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa IPP Air Cargo.
Theo đó, ông Hạnh Nguyễn xin phép thành lập một hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa với mục tiêu góp phần tăng giá trị cạnh tranh của các hãng hàng không vận tải hàng hóa của Việt Nam trên các đường bay quốc tế, góp phần vào sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam cũng như góp phần bình ổn giá cước vận chuyển hàng hóa, ổn định chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu, giảm thiểu việc ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, nguy cơ lạm phát, và góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.
Sau khi nhận được văn bản của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu có văn bản hướng dẫn cụ thể cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo trong việc thành lập mới hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện các hãng hàng không Việt như: Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đều được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không bao gồm cả việc chở hành khách và hàng hóa. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam chưa hề có một hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa dẫn đến “miếng bánh” này đến nay phần lớn nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo các thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của ba hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific) chỉ chiếm khoảng 12%. 88% còn lại nằm trong tay 64 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam. Đối với vận chuyển hàng hóa trong nước, Vietnam Airlines là hãng dẫn đầu với 68% thị phần.
Được biết, Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD); trong đó, có 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.
Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. IPP Air Cargo cũng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.