Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa tạo được chữ tín và niềm tin với đối tác, ngay cả với một thị trường quan trọng và làm ăn lâu đời với Việt Nam là Trung Quốc.
Sau thời gian dài “ngấm đòn” trước tình trạng Trung Quốc liên tục đóng cửa khẩu để phòng dịch Covid-19, việc nước này mở cửa các cửa khẩu biên giới (ngày 8/1), đã khiến doanh nghiệp Việt Nam “thở phào”.
Trong tháng đầu năm, tại tỉnh Lạng Sơn, nơi có 5 cửa khẩu giáp ranh với Trung Quốc, mỗi ngày đã thông quan khoảng 1.000 xe; giúp kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng ngay trong tháng đầu tiên mở cửa biên giới, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại duy nhất có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 10 tỷ USD với nước ta. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 175 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam gần đạt 58 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hơn 117 tỷ USD.
Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản. Điều đó đủ khẳng định rằng, dù Việt Nam đang tiến tới đa dạng thị trường và đối tác, nhưng đất nước tỷ dân vẫn là thị trường tiêu thụ quan trọng của xuất khẩu và là thị trường nhập khẩu nguyên liệu tiềm năng của nước ta.
Thế nhưng, theo ông Phạm Văn Hùng, đại diện doanh nghiệp có hơn 10 năm xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc, cho biết trong Tọa đàm mới đây do Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (Trường Đại học Ngoại thương) tổ chức, thì các nhà nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu hạn chế nhập khẩu vì đang chuyển đổi hướng kinh doanh các sản phẩm nội địa.
Bởi trong đại dịch, rất nhiều sản phẩm ngoại nhập phát sinh chi phí nhập khẩu và bị đẩy hàng ra khỏi siêu thị. Trước đây, kiểm dịch chỉ mất 2-3 ngày, hiện lên đến 10-15 ngày, kéo theo thời gian tồn kho gia tăng cùng với đó là chi phí test kiểm dịch tốn kém. Cùng với đó chênh lệch tỷ giá khiến nhà nhập khẩu Trung Quốc bất lợi hơn.
Ở phía nhà sản xuất Việt Nam, giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng từ 40-50%, thậm chí có loại tăng tới 200%, giá container tăng từ 8-10 lần so với giá ban đầu, nên đối với các doanh nghiệp, khi xuất sang thị trường nước ngoài không thể tăng theo giá nguyên liệu đầu vào. Doanh nghiệp Việt Nam cũng rất đau đầu làm sao cân đối được giữa giá thành sản xuất và giá bán.
Theo ông Hùng, với các doanh nghiệp Việt Nam, đa phần họ chưa tìm hiểu kỹ thị trường mình muốn xuất khẩu vào, ngay cả thị trường gần gũi như Trung Quốc, bởi chi phí tìm hiểu thị trường thường rất lớn. Nên hầu hết các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam sang nước này đều do bạn hàng Trung Quốc tự tìm đến, nhà sản xuất Việt Nam sẽ đáp ứng yêu cầu của đối tác.
“Các sản phẩm của Vinamit, bánh pía, cà phê Trung Nguyên, bánh trứng Tipo… bán rất nhiều ở Trung Quốc. Khi kiểm tra các kênh bán ở thị trường này, tràn ngập hàng Việt Nam, như vậy không phải chúng ta không có cơ hội. Nhưng hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu mua đứt, bán đoạn. Mua xong không quan tâm nữa, tôi có lợi nhuận mang về thôi, được thì bán, không được thì thôi”, ông Hùng nói.
Cũng theo vị này, khi làm việc với đối tác nước bạn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu “chữ tín”. Tức sau khi doanh nghiệp đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc thành công, họ muốn mở rộng nên đã tìm rất nhiều nhà phân phối khác nhau, gây ra tình trạng loạn giá.
Ngược lại, phía đối tác Trung Quốc khi họ bỏ ra rất nhiều tiền để nghiên cứu thị trường và tìm hiểu sản phẩm Việt Nam, họ mong muốn độc quyền phân phối sản phẩm đó. Vì vậy, để bán sản phẩm lâu dài tại Trung Quốc cần tin tưởng và hợp tác bền chặt với nhau.
Thực tế cũng cho thấy, một thị trường tỷ dân như Trung Quốc luôn nằm trong tầm ngắm của các nước xuất khẩu trên thế giới. Vì vậy, dù tiềm năng nhưng đây là thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt.
Ví dụ như mặt hàng cà phê, hiện có 80 nước xuất khẩu vào Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các nguồn cung lớn, trừ Việt Nam và Guatemala. Điều này khiến thị phần cà phê Việt tại nước này sụt giảm từ 10,61% trong năm 2021 xuống 6,91% trong năm 2022.
Nguyên nhân được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chỉ ra đó là thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc thay đổi. Họ ngày càng ưa chuộng cà phê chế biến, cà phê pha chế sẵn chất lượng cao từ châu Âu, Hoa Kỳ. Trong khi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta dưới dạng thô, tỷ trọng đầu tư cho chế biến sâu vẫn chưa cao.
Như vậy, nếu doanh nghiệp cà phê không nhanh chóng thay đổi để kịp thích ứng với thị hiếu của người tiêu dùng, thì chắc chắn, thị phần cà phê Việt tại Trung Quốc sẽ tiếp tục sụt giảm dưới con số 6,91%.
Tương tự với mặt hàng nông sản, thủy sản, Trung Quốc cũng không còn là thị trường tiêu thụ dễ tính mà đang gia tăng các tiêu chuẩn kĩ thuật để kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ngay cả hàng xuất khẩu chính ngạch đạt tiêu chuẩn nhập khẩu vào Trung Quốc thì với mỗi lô hàng, nước này đều lấy mẫu kiểm tra nên doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng đồng đều trong tất cả các lô hàng. Bởi một lô hàng kém chất lượng bị trả về không chỉ gây tốn kém cho doanh nghiệp khi sản xuất, vận chuyển lô hàng đó, mà còn ảnh hưởng đến chữ tín với bạn hàng, nặng hơn là đền bù hợp đồng hoặc mất đi cơ hội làm ăn tiếp theo.
Vì vậy, thị trường ngày càng khó tính là thách thức với các doanh nghiệp Việt nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng chuẩn chính mình để có thể tham gia cuộc chơi lớn hơn khi các FTA ngày càng rộng mở.